Mô tả
Lời Giới Thiệu
Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, đức Phật đã dạy là muốn vãng sanh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì trước tiên phải tu Tịnh Nghiệp Tam Phước. Tam Phước là nền tảng của Phật pháp Đại thừa, ví như chúng ta xây nhà vậy, đây là xây nền móng. Điều thứ nhất trong Tịnh Nghiệp Tam Phước là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Ba câu đầu là Nguyện, câu sau cùng là Hành, nếu như không có Hành thì ba nguyện phía trước là trống không. Bạn dùng cái gì để hiếu dưỡng cha mẹ? Dùng cái gì để phụng sự sư trưởng? Dùng cái gì để từ tâm bất sát? Từ tâm bất sát thì phải hành như thế nào? Chính là mười nghiệp thiện! Nếu như chưa có thập thiện thì ba câu phía trên chỉ là khẩu hiệu, chỉ là nói suông, do đó chúng ta dùng thập thiện để thiết thực hiếu thân tôn sư.
Thập Thiện Nghiệp Đạo là nền móng. Nếu như không có nền móng này thì không luận tu bất cứ pháp môn nào cũng đều không thể thành tựu, cho nên đây là nền tảng chung. Nếu như không có nền tảng của mười nghiệp thiện thì niệm Phật không thể vãng sanh. Trong Tịnh Nghiệp Tam Phước, Phật nói lời kết sau cùng rất hay, ba điều này là “tịnh nghiệp chánh nhân của ba đời chư Phật “. Trong bộ Kinh này, đức Phật dạy chúng ta rất hay là Bồ Tát có một pháp có thể đoạn tất cả các khổ của ác đạo, đó là “trú dạ thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quan sát thiện pháp, lệnh chư thiện pháp, niệm niệm viên mãn, bất dung hào phân, bất thiện gián tạp”. Có thể xem đây là tổng cương lĩnh tu hành trong Phật Pháp. Thiện pháp này là lấy thập thiện làm tiêu chuẩn. Thường niệm thiện pháp là tâm thiện, thường tư duy thiện pháp là ý nghĩ thiện, thường quán sát thiện pháp là hành vi thiện. Thiện pháp này niệm niệm tăng trưởng, không chứa mảy may xen tạp bất thiện. Nếu tu được như vậy thì làm sao không thành Phật, làm sao không thành Thánh được?
Chúng ta học Thập Thiện Nghiệp Đạo từ khi mới bắt đầu học Phật cho đến khi học viên mãn thì thành Phật. So với năm giới thì Thập Thiện Nghiệp Đạo sâu hơn, rộng hơn, bởi vì người khi chưa vào cửa Phật, khi vẫn chưa thọ giới, trước tiên cần tu mười thiện. Năm giới là chúng đệ tử Phật truyền thọ, mười thiện là Phật khuyến hóa đối với tất cả chúng sanh, ý này bao rộng bao sâu? Đây là dạy chúng ta ở ngay trong cuộc sống thường ngày, trong công việc, đối nhân xử thế tiếp vật đều phải tuân thủ những nguyên tắc này. Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh Giảng Giải tuy nói mười điều, nhưng trong mỗi một điều lý rất sâu, sự rất rộng, sâu rộng không có bờ mé, từ sơ phát tâm đến Như Lai địa cũng học không xong. Vì vậy, chúng ta không nên quá xem nhẹ.
Xem nhẹ thì chúng ta sẽ lơ là ngay và cho rằng những thứ này đều là câu thường dùng ở cửa miệng, chúng ta thường dễ phạm sai lầm, đối với sự tu hành của mình trở thành chướng ngại to lớn, ngay cả pháp môn dễ hành ở trong Phật pháp là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ cũng bị chướng ngại. Nghiệp ác làm chướng ngại rồi thì niệm Phật không thể vãng sanh. Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh chính là tiêu chuẩn, Tiêu chuẩn gì? Là năm giới, mười thiện, đây là nền tảng của Phật pháp, là đại căn đại bổn của Phật pháp. Học Phật phải từ ngay chỗ này mà học, người khác không thể làm nhưng chúng ta nhất định phải làm, quyết định phải tuân thủ. Năm giới cùng mười thiện ở trên hình thức là như nhau, nhưng ở trên quả đức thì không như nhau, việc này chúng ta cần phải biết, cho nên thọ giới cùng hành thiện không như nhau.
Quả báo của mười thiện là mong cầu phước báo, năm giới thì không phải phước báo, chỗ này không như nhau. Năm giới là cầu cái gì? Cầu được tâm thanh tịnh, “nhân giới được định, nhân định khai huệ”. Trên hình thức là như nhau, nhưng mục đích phương hướng thì không như nhau, một cái là mong cầu phước báo, một cái là mong cầu định huệ, đây là giới cùng thiện có khác biệt. Năm giới nhất định phải ở trước mặt Phật Bồ Tát phát nguyện thọ trì, mười thiện thì không cần, cho nên cùng tu học mấy khóa mục này, dụng ý ở chỗ nào, mục đích ở chỗ nào, chính mình phải rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo. Nhận thấy rằng Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh Giảng Giải rất cần thiết cho người học Phật, cho nên chúng tôi đã không quản ngại mình tài hèn sức mọn, sở học còn non kém, mạo muội dịch phần giảng dạy Kinh này của Lão pháp sư Tịnh Không giảng năm 2001. Hy vọng có thể có thêm tài liệu tu học cho người học Phật.Trong quá trình biên dịch chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi sai sót, ngưỡng mong quý chư Tăng Ni và quý liên hữu Phật tử từ bi hoan hỷ chỉ dạy thêm. Nam mô A Di Đà Phật!
Vọng Tây Cư Sĩ Cẩn ghi!
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.