Kinh Đại Bát Niết Bàn, vì là lời nói sau cùng của Phật Tổ, trước khi Ngài viên tịch, nên bao quát hầu như đủ mọi thắc mắc của chúng sinh. Vì thời gian có hạn nên lời Ngài dạy rất cô đọng, nhưng minh bạch, rõ ràng. Thí dụ như nơi phẩm Kim Cang Thân thứ năm và phẩm Như Lai Tánh thứ mười hai, ngài giải thích cặn kẽ về chân ngã hay Phật Tánh, đó chính là bản thể thanh tịnh thường hằng bất biến của tất cả mọi loài chúng sinh, mênh mông như hư không, thường trụ bất hoại, tuy vậy bản thể ấy không phải tất cả chúng sinh là một, nhưng cũng không phải là khác, vượt ra khỏi tư tưởng suy nghĩ thông thường của đời sống tương đối hiện tượng, cho nên gọi là không thể nghĩ bàn, nhưng chính là cái chân thật của mọi chúng sinh, không phải là cái “Tôi” ô nhiễm tham sân si, đầy vướng mắc khổ vui vô thường này. Bản thể ấy tràn ngập khắp nơi nhưng chúng sinh bị trói buộc vì phiền não, tham lam, giận giữ hay si mê nhiễm ô che mờ nên không thấy được. Bản thể ấy luôn luôn sẵn sàng, tịch tĩnh hiện diện, nên gọi là Như Lai.