Mô tả
Thọ trì kinh nghĩa là nhận kinh từ Phật và giữ kinh trong tâm, trong việc làm. Nói cách khác, ta nhận lãnh di huấn của Phật và thay thế Ngài hướng dẫn người thăng hoa tri thức, đạo đức. Tuy nhiên, khi Phật tại thế, những người trực tiếp với Đức Phật dễ dàng nhận được ý Phật dạy. Chúng ta không trực tiếp với Ngài, cho nên phải mượn văn tự kinh, nương theo đó tu hành.
Trong kinh Pháp Hoa chia ra ngũ chủng Pháp sư, tức là năm cách tu gồm có thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng nói. Đọc, tụng, biên chép và giảng nói là bốn trợ hạnh giúp ta phát huy chánh hạnh là thọ trì kinh.
Trong hai mươi tám phẩm kinh Pháp Hoa, có người chọn mười phẩm cốt yếu để thọ trì, nhưng cũng có vị chọn một phẩm là phẩm Phổ Môn, như Hòa thượng Thiện Hoa lúc sanh tiền, hàng ngày ngài chuyên trì tụng duy nhất phẩm này. Hoặc Ngài Huệ Đăng chỉ trì tụng từ phẩm Như Lai thần lực đến phẩm Phổ Hiền Bồ tát khuyến phát. Ngài Nhật Liên Thánh nhân thì dạy thọ trì nhứt phẩm nhị bán, nghĩa là thọ trì một phẩm thứ 16, Như Lai thọ lượng và nửa phẩm thứ 15, Tùng địa dũng xuất và nửa phẩm thứ 17, Phân biệt công đức.
Riêng tôi thì chọn bảy phẩm để hình thành Bổn môn. Đó là phẩm Tựa, Pháp sư, Tùng địa dũng xuất, Như Lai thọ lượng, Phân biệt công đức, Phổ môn, Phổ Hiền Bồ tát khuyến phát.
Tại sao có sự khác biệt về việc chọn lựa các phẩm kinh Pháp Hoa để thọ trì. Có thể nói dưới dạng Bổn môn, hay dạng đổi mới mà nhìn về giáo lý Phật để hiểu, để sống và truyền bá lợi lạc cho người là chính. Không rập y khuôn cũ, không chấp chặt vào văn tự; nhưng hiểu được ý chính của kinh và tuyển chọn những ý nào thích hợp với thời gian và quốc độ để ứng dụng vào cuộc sống là chính yếu.
Vì vậy, sử dụng một phẩm, hay nhứt phẩm nhị bán, hay bảy phẩm, là tùy theo sở ngộ của từng vị tu chứn khác nhau. Và pháp tu chứng ấy cũng thay đổi cho thích hợp tương ưng với thời kỳ, với hoàn cảnh của mỗi người khác nhau. Đó là sự nhận thức theo Đại thừa. Ở giai đoạn một, chúng ta học hiểu Phật pháp phải đạt được sở đắc của riêng mình. Đến giai đoạn hai, đem sở đắc ấy ứng dụng vào cuộc sống, như khi tôi dạy ở các trường Phật học và tiếp xúc với các tín đồ, lại gặp những khó khăn khác. Theo Bồ tát đạo, lúc ấy chúng ta có cái học trong nhân gian làm nảy sinh ra những nhận thức khác. Và đến giai đoạn ba, từ sở đắc tiến đến vô sở đắc thì chúng ta dạy, hoặc thuyết pháp phải ứng cảm tùy cơ mới thành công. Nếu Phật giáo theo mô hình cố định thì không thể tồn tại. Sự đổi mới tư tưởng theo từng giai đoạn, từng hoàn cảnh, từng nước cho thích hợp để đưa Phật giáo đi lên.
Trong bảy phẩm Bổn môn, tôi không sử dụng y theo chánh văn của bộ kinh hai mươi tám phẩm, chỉ rút lấy những điểm chính yếu. Thọ trì Bổn môn nhằm nắm giữ yếu nghĩa kinh. Đến khi thuần thục, chúng ta vẫn thầm đọc kinh trong lòng và giai đoạn ba, không cần đọc thầm, nhưng cuộc sống của chúng ta dã tiêu biểu cho bộ kinh Pháp Hoa.
Bổn môn Pháp Hoa gồm bảy phẩm. Con số bảy gợi cho chúng ta liên tưởng đến thất đại, hay bảy nguyên tố hình thành vũ trụ nhân sinh theo đạo Phật là địa, thủy, phong, hỏa, không, kiến, thức. Bốn đại đầu thuộc phần vật chất và ba đại sau thuộc tinh thần. Chúng sanh khổ sở trầm luân vì chịu sự chi phối hoàn toàn của bốn đại đầu. Đức Phật được giải thoát tự tại, vì Ngài không bị sự chi phối của bốn đại, mà còn vận dụng được ba đại còn lại.
Bổn môn Pháp Hoa tuy chỉ có bảy phẩm, nhưng đó là thoại đầu mà tôi thường suy tư, ứng dụng thế nào để mở rộng tương ưng được với bảy quyển của kinh Pháp Hoa và mở rộng hơn nữa sao cho thâm nhập Pháp giới, nghe được hai mươi muôn ức bài kệ Pháp Hoa của Phật Oai Âm Vương.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.