Mô tả
Ý nghĩa của chuông mõ:
Ý nghĩa của hai loại pháp khí này nó có công năng cảnh tỉnh nhắc nhở mọi người luôn phải tỉnh thức gìn giữ chánh niệm. Nhất là phải thu nhiếp ba nghiệp: Thân, Khẩu, Ý cho thanh tịnh trước và trong khi hành lễ. Một buổi hành lễ được trang nghiêm thanh tịnh là do mỗi cá nhân khéo biết tự điều chỉnh từ nội dung đến hình thức. Nội dung là thuộc về tâm thức, hành giả phải hết sức chú ý theo dõi lời kinh tiếng kệ, không để tâm phóng dật theo ngoại cảnh. Hình thức là phải giữ gìn ba oai nghi: đi, đứng và ngồi cho thật trang nghiêm tề chỉnh. Và phải để tâm nghe theo sự cảnh báo của tiếng chuông và nhịp mõ.
Cách thức sử dụng vô chuông mõ:
a. Trước đánh 3 tiếng chuông và tiếp theo là ba tiếng mõ gọi là: tiên khởi tam.
b. Tiếp theo là 3 tiếng chuông và 3 tiếng mõ giữ khoảng cách đều nhau không nhặt không khoan.
c. Kế tiếp là 4 tiếng mõ (2 tiếng giữa nhặt và tiếng sau lơi ra) gọi là dứt tứ. Đó là ý nghĩa “vô tam ra tứ”.
Trước khi thỉnh chuông, người duy na chập nhẹ vào miệng chuông hai tiếng. Hai tiếng chập nhẹ này có ý nghĩa là để cảnh báo cho đại chúng biết, đã đến giờ hành lễ xin mọi người hãy chú tâm theo dõi, lập tức hãy trở về với hơi thở chánh niệm.
Còn 3 tiếng chuông và 3 tiếng mõ đầu ý nói, chúng sanh do ba nghiệp thân khẩu ý tạo tác mọi điều ác, sau sẽ đọa vào trong ba đường dữ: Địa ngục, Ngạ quỷ, và Súc sanh. Cũng có nghĩa là trừ Ba độc (tham, sân, si) để được Ba đức: Pháp thân, Bát nhã và Giải thoát đức.
Tóm lại, 3 tiếng chuông ý nói phải dừng ba nghiệp. Còn 3 tiếng mõ ý nói, khi dừng ba nghiệp thì không còn bị đọa lạc vào Ba đường dữ (tam đồ). Hoặc là trừ Ba độc thì sẽ được Ba đức.
Còn đánh ba tiếng chuông và ba tiếng mõ xen nhau nó có ý nghĩa là: 3 tiếng chuông ý nói, hành giả phải Phát nguyện tu ở nơi Tam học (giới, định, huệ) và 3 tiếng mõ ý nói, quyết chứng cho được Tam thừa (Thanh văn, Duyên Giác và Bồ tát).
Sau cùng dứt Tứ (4 tiếng mõ cóc…cóc cóc…cóc) là ý nói nhờ tu pháp Tứ Đế mà dứt được 4 tướng sanh, lão, bệnh, tử để chuyển thành Tứ trí (chuyển năm thức trước thành Thành sở tác trí, chuyển thức thứ sáu thành Diệu quan sát trí, chuyển thức thứ bảy thành Bình đẳng tánh trí, chuyển thức thứ tám thành Đại viên cảnh trí).
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.