Khi tôi đọc bản thảo quyển sách này, lòng tôi bàng hoàng xúc động. Một trong những bài tường thuật mang tựa đề “Đừng Để Lỗi Lầm Xảy Ra Lần Nữa” đã đặc biệt khiến tôi có nhiều cảm xúc. Tác giả, ông Vương Sĩ Minh, kể lại ông đã từng mang mặc cảm tội lỗi và xấu hổ suốt cả đời không cách nào xóa đi được. Sao lại như vậy? Ông viết:
“Tôi không thể nào ngờ được, lúc tôi còn là một học sinh chưa đầy hai mươi tuổi, bằng hành động thật nông nổi, tôi đã dại dột mang một mạng sống đến cõi đời nầy, lại vô tri không biết gì để rồi cướp đoạt đi cái quyền sinh tồn của thai nhi đó!”.
Điều nầy làm tôi giật mình nghĩ đến: “Trong khuôn viên trường học của chúng ta ngày nay, biết bao học sinh / sinh viên ở trong tâm trạng ray rức giống như ông Vương trẻ tuổi ngày nào?”. Từ năm 1975, tôi đã giảng dạy trong suốt ba mươi ba năm. Trong hơn ba mươi năm nay, tôi đã chứng kiến khung cảnh sân trường thay đổi từ mộc mạc và đơn giản thành phóng túng buông thả. Sự phóng túng ở sân trường chúng ta [Đài Loan] vượt trội hơn ở vài quốc gia khác.
Trước kia trong khuôn viên đại học, nền tảng quan hệ nam nữ khép nép trong phép giao thiệp lịch sự, họ đối xử tôn trọng lẫn nhau trong khuôn khổ tiền hôn nhân của thời yêu đương tình tứ, hàm súc nét đẹp tự nhiên thấp thoáng trong sự tự kềm chế của đôi bên, họ không hề gây ra chuyện gì để rồi ngày mai đây cả hai phải bị bóng tối ám ảnh bao trùm.
Đem vấn đề tình dục trước hôn nhân ra mà nói, trong quá khứ, bất kể xã hội Tây phương cũng như Đông phương, chuyện này đều không nên. Thế nhưng hiện tại ư, chẳng còn là chuyện mới mẻ và thường chứng kiến thấy, sinh viên tuổi trẻ Đài Loan đã trộm nếm quả cấm trong kỳ nghỉ hè, khi tựu trường họ lo việc thu dọn tàn dư hậu quả xảy ra. Một vị bác sĩ sản phụ khoa càng nhấn mạnh hơn: “Những năm gần đây, phá thai không còn giới hạn vào tháng chín (tựu trường), bây giờ gần như hằng ngày là ngày phá thai!” Càng khiến cho người nghe phát lạnh xương sống vì các học sinh trẻ người non dạ đem việc phá thai bừa bãi xem như là cách ngừa thai, thái độ của chúng cũng rất bình thản vô sự; hơn thế, độ tuổi của đối tượng phá thai càng lúc càng giảm xuống.
Chúng ta cũng có thể phát hiện, tuy tỷ số sinh sản ở Đài Loan dần dần tuột dốc, nhưng phong trào phá thai lại trên đà gia tăng. Đem so sánh với nước Pháp là nơi nam nữ tự do quan hệ phóng túng, mức tỷ lệ phá thai ở Đài Loan lại vượt hơn gấp sáu lần. Nhất là sau cuộc kỹ nghệ hóa và đô thị hóa, cơ cấu xã hội và giao tế tiếp xúc giữa con người phức tạp hơn rất nhiều so với ngày trước! Sự biến động hỗn loạn về quan điểm giá trị xã hội, khiến con người có xu hướng thiên về “tiền tài”, dùng đồ hiệu, đi đôi dép công danh lợi lộc; hơn nữa tốc độ truyền thông tin học nhanh chóng, những khoái cảm tình dục phóng túng cũng lại phơi bày một cách không ngừng . Hậu quả đưa đẩy đến là, những sinh viên trẻ tuổi vốn dĩ ngay thẳng trong sạch, hào khí sung sức và đầy nhiệt huyết, bởi do không có quan điểm đạo đức đúng đắn kềm chế, nên đưa chân sa lầy đắm thân vào việc lấy xác thịt đổi chác đồng tiền, hoặc là vì hành vi lỡ lầm trong quan hệ khác phái trước hôn nhân dẫn đến hoàn cảnh mang thai túng quẫn.
Trông thấy những gì xảy ra, chúng ta không khỏi lo ngại — Nền giáo dục của chúng ta đã có vấn đề gì? Chúng ta phải nên cứu vớt những bạn trẻ thanh thiếu niên nầy như thế nào?
Có phải là chúng ta nên bảo họ cái gì nên làm và những gì họ không nên làm theo quan điểm đạo đức cơ bản. Một cách minh bạch rõ ràng để cho các em học sinh biết phải quấy, mà chẳng phải cho là “Miễn sao tôi thích là được, không có gì phải ngăn cản”. Chúng ta chẳng mong những cậu học trò như Vương Sĩ Minh năm nào sẽ càng lúc càng nhiều, chúng ta cũng không muốn những học sinh trẻ tuổi đều phải suốt đời vấn vương một vết thương hổ thẹn trong lòng chẳng vứt bỏ được !
Không có quan niệm đúng đắn, thì chúng ta mãi như đi trong bóng tối triền miên, lạc đường rồi cũng không hay biết. Nói chung, người ta có quan niệm về việc phá thai cũng không đúng đắn vậy, cho là thai nhi chưa ra đời thì không tính là sinh mạng, cho nên có thể tùy tiện lấy ra vứt bỏ. Thực ra có thai, tức có sinh mạng tồn tại, nếu không, thai nhi làm sao có thể mỗi ngày phát triển lớn dần? Giống y hệt như chúng ta những người đã ra đời, bởi vì chúng ta có sinh mạng, cho nên có thể cử động, có thể sống, và có thể trưởng thành. Do đó, sinh mạng của thai nhi cũng có sự sống như chúng ta vậy.
Bản thân tôi là giáo đồ đạo Thiên Chúa, Công Giáo vốn sẵn tôn trọng sanh mạng. Nay quyển sách “Những Vong Linh Thai Nhi Vô Tội”, tuy là cấp thiết nói lên từ quan điểm Phật Giáo, nhưng tinh thần từ bi yêu thương bảo hộ sanh linh muôn loài khiến người cảm động. Trong sách, những lời diễn giảng và giải đáp của Hòa Thượng Tuyên Hóa cùng chúng đệ tử của Ngài về vấn đề phá thai, khiến tôi mở rộng tầm mắt nhìn; trong số đó những câu chuyện của mỗi trường hợp điển hình cá biệt, càng thêm khiến cho tôi cảnh thức thật sâu tận đáy lòng. Với quyển sách vấn thế nầy, tôi tin tưởng sẽ hướng dẫn rất nhiều người cải chánh quan niệm sai lệch về phá thai, tiến xa hơn, nhằm mang lại sự giúp đỡ rộng lớn cho xã hội, cũng có thể nhờ thế cứu vãn rất nhiều sinh mạng ! Tôi càng lòng thành tha thiết mong mỏi danh từ “Phá Thai” có thể đến thời điểm nầy sẽ trở thành danh từ lịch sử (quá khứ), để càng có nhiều sinh mạng nhờ đó được sống còn.
Viện Đại Học Quốc Gia Ký Nam và Cựu Viện Trưởng Đại Học Thanh Hoa , Đài Loan.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.